Hiện nay trên thị trường Đông dược Việt Nam, xuất hiện rất nhiều vị thuốc bắc từ Trung Quốc đưa vào. Trong số đó có vị Đông trùng hạ thảo. Bên cạnh vị Đông trùng hạ thảo của Trung Quốc, còn có vị mang tên Đông trùng hạ thảo của Việt Nam, được nhân dân ở một số vùng núi: Lạng Sơn, Hòa Bình… khai thác, đưa về bán.
Do vậy, bài viết này, nhằm giới thiệu thực chất và tác dụng của vị thuốc Đông trùng hạ thảo bắc, một vị thuốc có xuất xứ “kỳ lạ”, đã được y học cổ truyền phương Đông sử dụng có hiệu quả, chữa được nhiều loại bệnh, từ lâu đời, để góp phần vào việc phân biệt thật giả của vị thuốc cũng như tác dụng của vị thuốc này.
Người ta còn gọi Đông trùng hạ thảo là trùng thảo, hay hạ thảo đông trùng, có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk) Sacc.., họ Nhục tòa khuẩn Hypocreaceae.
Vị thuốc có nguồn gốc từ loại ấu trùng của một loài côn trùng sống trong mùa đông (đông trùng) và mùa hạ lại thành cây cỏ (hạ thảo), do đó mang tên Đông trùng hạ thảo. Thực chất nó là một giống nấm được mọc ký sinh trên sâu non của một loại sâu có tên Helialus armoricanus.
Oberthur thuộc họ cánh bướm. Các ấu trùng này sống ở các tầng đất trên núi, với độ cao trên 3000-4000m so với mặt biển, ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Tây Tạng và Vân Nam Trung Quốc. Các ấu trùng này sống bằng cách ăn các mầm non ở dưới đất của một loại Nghể răm Polygonum viviparum L. Nấm và sâu sống hợp sinh với nhau, mà tạo nên vị thuốc. Về mùa đông, con sâu non nằm ở dưới đất, trong khi đó nấm kí sinh vẫn phát triển trên toàn thân con sâu này, đồng thời hút các chất dinh dưỡng trên con sâu, để nuôi sống mình, làm cho con sâu kiệt sức vì hết chất dinh dưỡng mà chết. Đến mùa hạ, với thời tiết thích hợp, nấm sinh ra cơ chất, rồi mọc chồi khỏi mặt đất; trong khi đó gốc thì vẫn dính liền vào đầu con sâu. Vì vậy, vị thuốc vừa có hình dạng của con sâu, vừa có sắc thái của một cái cây. Do đó người ta lấy tên Đông trùng hạ thảo để đặt cho vị thuốc này. Và hàng năm, cứ vào độ tháng 6-7, người ta đào lấy tất cả xác của con sâu và nấm, rửa sạch đất cát phơi hoặc sấy khô. Trong quá trình phơi khô, thường phun thêm rượu, rồi phơi tiếp đến khô hẳn, giúp cho vị thuốc có mùi thơm và giúp cho việc bảo quản tốt hơn.
Đặc điểm vị thuốc đông trùng hạ thảo
Vị thuốc bao gồm cả phần sâu và phần nấm. Phần sâu non, có độ dài khoảng 2,5-3 cm, đường kính 3-5 cm, màu vàng nâu hoặc xám nâu. Từ đầu con sâu mọc ra một thân nấm hình trụ đặc biệt. Thân nấm thường dài 3-6 cm, có khi đến 10 cm, thường phía trên phình to, bên ngoài có vỏ sần sùi, đó là các “tử nang xác” nổi lên. Tử nang xác có hình trứng hay hình tròn, dài 380-550 mm đường kính 140-240 mm. Trong tử nang xác có chứa các nang hình sợi. Phía cuối hơi thuôn nhọn. Khi còn non thì thân đặc, khi già thì rỗng. Ở Việt Nam, nhân dân một số vùng núi, cũng thu hoạch các con sâu Brihaspa atrostigmella, hộ sâu chánh bướm Lepidopterae, sống trên cây chít, hay còn gọi là cây đót thysanoloena maxima O. Kuntze, họ lúa Poaceae để làm vị thuốc Đông trùng hạ thảo. Ngay ở Trung Quốc, ngoài vị Đông trùng hạ thảo giới thiệu ở trên, nhân dân ở một số vùng tỉnh Cát Lâm, Hà Bắc, Thiểm Tây, An Huy, Quảng Tây, Vân Nam, cũng lấy các con nhộng, hoặc các con sâu non, ký sinh, gọi là nhộng cỏ: C. Militaris (L.), Link, sau đó qua các công đoạn “chế tác”, để làm ra sản phẩm với tên “Đông trùng hạ thảo”, còn gọi là “bắc trùng thảo” cũng dùng với tính chất của Đông trùng hạ thảo. Do vậy cần phải chú ý phân biệt khi dùng vị thuốc này. Vì vị thuốc Đông trùng hạ thảo chính danh, hiện nay trên thị trường được bán với giá rất đắt.
Thành phần hóa học: Đông trùng hạ thảo chứa 25-32% protid, khi thủy phân cho nhiều acid amin: glutamic, prolin, histidin, valin, pxyvalin, arginin, phenylalanin và alanin. Có 8,4% chất béo, trong đó acid béo no chiếm 13% acid không no chiếm 82,2% (trong đó acid linolic (31,7%), acid linilenic (68,31%). Từ Đông trùng hạ thảo, phân lập được acid cordycepic 3-4-5 tetraoxyhexahydrobenzoic, có cấu trúc tương tự acid quinic. Về sau chứng minh chất này là D-mannitol. Từ loại “bắc trùng thảo” nói trên, người ta cũng phân lập được chất cordycepin, 3 – deoxyadenosin. Hiện nay đã tổng hợp được chất này.
Tác dụng dược lý
· Làm dãn cơ trơn của khí quản động vật thí nghiệm.
· Có tác dụng hạ huyết áp. Trên chó gây mê, tiêm tĩnh mạch với liều 0,1-0,5 ml,hoặc 1ml/kg trọng thể, đều thể hiện tác dụng hạ huyết áp, sau 10 phút huyết áp trở lại bình thường.
· Đối với tim cô lập của thỏ, lượng thuốc làm tăng rõ rệt lượng máu tim, với tim ếch tại chỗ và cô lập, đều làm tim đập chậm lại, nhưng sức bóp không tăng.
· Có tác đụng an thần gây ngủ.
· Ức chế ruột và tử cung cô lập.
· Ức chế trực khuẩn lao.
· Ức chế tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn.
· Ức chế một số nấm ngoài da thường gặp.
· Tác dụng chống lão hóa.
· Ức chế tế bào ung thư: người ta đã dùng Đông trùng hạ thảo, với liều 15-200mg/kg thể trọng chuột nhắt đã được gây ung thư phúc mạc, cho chuột dùng liền 7 ngày, thấy rằng phế phẩm có khả năng kéo dài thời gian sống của chuột thí nghiệm so với chứng. Ngoài ra , vị thuốc còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư vòm họng ở người.
Ứng dụng lâm sàng
Đông trùng hạ thảo đã được y học cổ truyền sử dụng từ lâu đời. Trong cuốn “bản thảo cương mục thập di”, từ thế kỷ 18, đã ghi Đông trùng hạ thảo là vị thuốc bổ, bổ tinh khí, bổ thận. Theo y học cổ truyền, Đông trùng hạ thảo, có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế, thận, có công năng bổ phế, ích thận, chỉ huyết, hóa đàm. Được ứng dụng trên lâm sàng để chữa các bệnh:
· Thận hư, lo lâu ngày, hen suyễn khó thở, viêm phế quản, có thể phối hợp: Đông trùng hạ thảo 10g, tang bạch bì 8g, tiểu hồi 2g, cam thảo 4g, khoản đông hoa 6g… Dùng dưới dạng thuốc sắc, uống nhiều lần trong ngày. Cũng có thể mang dùng riêng vị thuốc, sao với rượu cho thơm, tán bột uống hàng ngay. Còn dùng trong các trường hợp ho nhiều và ho ra máu. Có thể phối hợp với bối mẫu, sa sâm, mạch môn đông, hạnh nhân sắc uống.
· Dùng trong bệnh liệt dương, di tinh, phối hợp với dâm dương hoắc, nhục thung dung… làm hoàn, uống hàng ngày.
· Dùng trong các trường hợp đau lưng, đau xương cốt, phối hợp với đỗ trọng, tục đoạn…
· Dùng chữa thần kinh suy nhược. Có thể đem chế với thức ăn: trứng gà, thịt vịt, dùng làm thuốc bổ cho người có thể tạng hư yếu, mới ốm dậy.
Vị thuốc Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý, được dùng chủ yếu để chữa các bệnh phế quản: viếm phế quản mãn tính, hen suyễn, các bệnh yếu sinh lý nam. Gần đây được sử dụng làm thuốc chống lão hóa, tăng sức đề kháng của cơ thể . Tuy nhiên, do tính chất quý hiếm của vị thuốc, nhiều người đã lạm dụng, giả mạo vị thuốc bằng cách dùng loại côn trùng có nguồn gốc khác, hoặc gia công, tạo dáng những thứ khác để làm Đông trùng hạ thảo. Do vậy, cần phân biệt để có dược liệu chính xác khi sử dụng.
Một số hình ảnh về đông trùng hạ thảo - ảnh internet
GS.TS.Phạm Xuân Sinh